Bạn đang muốn sở hữu một hay nhiều“bé” rắn cưng nhưng bạn chưa biết nên nuôi nhốt nó thế nào? TapChiBoSat sẽ tổng quan đầy đủ những điều bạn cần biết về việc chọn chuồng nuôi tốt nhất cho rắn, để chúng có thể thấy thoải mái nhất.

Cách chọn chuồng nuôi rắn
Bạn yêu thích một giống rắn cụ thể, trước hết, bạn cần tham khảo qua cẩm nang tổng quan về việc nuôi rắn nói chung. Tiếp đến, chính là việc lựa chọn chuồng phù hợp cho chúng sống hàng ngày.
Việc chọn bể cạn phù hợp làm chuồng nuôi rắn có vẻ khá khó. Nhưng khi bạn chia thành một vài quyết định quan trọng. Việc lựa chọn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Mà điều đầu tiên và quan trọng nhất để xem xét khi mua chuồng rắn chính là kích thước. Bạn phải đảm bảo nó đủ lớn để con rắn của bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Vấn đề kích cỡ
Rắn có không gian không giới hạn trong tự nhiên, và chúng rất hạnh phúc với điều đó. Đặc biệt là chúng thích một không gian nhỏ ấm cúng để cuộn tròn và ẩn nấp. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ dành cả đời để cuộn tròn trong một không gian chật hẹp.
Vậy kích thước không gian thế nào là tốt? Bạn hãy ghi nhớ và thử các công thức lựa chọn sau đây.
Đối với rắn bò trên mặt đất
- Chiều dài: ít nhất bằng chiều dài của con rắn trưởng thành.
- Chiều rộng: Ít nhất bằng một phần tư chiều dài của con trưởng thành.
- Chiều cao: Ít nhất bằng một phần tư chiều dài của con trưởng thành.
Đối với rắn leo trèo trên cây
- Chiều dài: Ít nhất bằng một phần tư chiều dài của con rắn trưởng thành.
- Chiều rộng: Ít nhất bằng một phần tư chiều dài của một con rắn trưởng thành.
- Chiều cao: Ít nhất là bằng chiều dài của một con rắn trưởng thành (tối đa là 2.5 m). Nếu con rắn dài hơn kích thước trên thì chỉ cần tăng chiều dài, không cần tăng chiều cao.
Bạn có thể thử nhiều biện pháp tính toán ước lượng nhằm giúp con rắn bạn nuôi có không gian thoải mái nhất.

Nắp đậy chắc chắn
Rắn là một cao thủ trốn thoát. Vâng, chắc hẳn bạn cũng biết rắn là loài vật dễ chui dễ trèo như nào. Nếu một con rắn thoát khỏi chuồng của mình, thì có thể sẽ có nguy hiểm. Đó là lý do vì sao khi bạn lựa chọn những chuồng nuôi thương mại được setup sẵn, bạn phải quan tâm đến vấn đề niêm phong lỗi thoát chặt chẽ.
Tốt nhất là nên có một chốt khóa ở trên để bạn dễ dàng mở mà đảm bảo con rắn của bạn không thể tự mình cạy ra để tẩu thoát.

Chống thấm ở đáy
Đáy của bể cạn cần phải có khả năng chống thấm tốt. Con rắn không giống như các loài bò sát khác, chúng dài và lăn lê bò trườn. Chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng các sản phẩm lót chuồng để giúp chuồng rắn nói riêng và chuồng bò sát nói chung luôn khô ráo, giảm thiểu các tác nhân gây bệnh thối vảy và các bệnh thường gặp ở rắn.
Trong bể lại luôn cần phải có một bát chứa để đựng nước uống cũng như để chúng ngâm mình.
Trong quá trình di chuyển, có thể chúng sẽ làm văng một ít nước xuống sàn chuồng. Chúng cũng sẽ đi vệ sinh. Do đó, khả năng ẩm mốc và vi khuẩn cũng rất cao.
Kiểm soát khí hậu
Một chiếc chuồng rắn lý tưởng là phải cho phép bạn kiểm soát được khí hậu một cách dễ dàng. Nếu không thì có thể sẽ dẫn đến một số bệnh. Đó là lý do vì sao mà các chuyên gia khuyên không nên dùng lồng lưới bằng kim loại.
Thủy tinh là lý tưởng nhất, bởi vì nó cho phép bạn nhìn xuyên qua. Dễ dàng để bạn làm sạch và đậy kín lại. Giúp bạn cân bằng được nhiệt độ và độ ẩm theo ý muốn. Kết hợp với hệ thống thông gió và chỉnh nhiệt ẩm phù hợp. Bể cạn bằng thủy tinh chính là chiếc chuồng hoàn hảo cho bạn mô phỏng môi trường sinh thái, khiến cho chúng có cảm giác như đang sống ngoài tự nhiên.

Các loại vật liệu chuồng nuôi rắn
Phần này, đơn giản là giúp bạn xem xét những loại vật liệu chuồng nuôi rắn khác nhau được cung cấp trên thị trường. Nhằm mục đích hỗ trợ bạn đưa ra quyết định sáng suốt về việc chọn chuồng phù hợp nhất.
Chuồng nuôi rắn bằng gỗ
Chuồng nuôi rắn bằng gỗ rẻ nhất và đáng tin cậy nhất cho rắn. Bạn thường dễ dàng tìm kiếm vì có sẵn trên thị trường với nhiều kích cỡ. Có thể có sẵn hoặc là đặt làm theo yêu cầu. Nếu bạn có những kỹ năng thiết lập cơ bản thì bạn có thể chọn mua hoặc đặt làm thủ công bởi chúng rất dễ tùy biến theo ý thích.
Những lợi ích
Chuồng nuôi rắn bằng gỗ dễ dàng sở hữu ở bất cứ đâu. Sản phẩm này cứng cáp, đa năng và hầu như giá cả hợp lý. Bạn có thể biến chúng trở nên thông minh hơn nếu kết hợp với một mặt kính.
Được làm bằng gỗ cho nên bạn rất dễ để khoan lỗ trên chuồng nhằm đưa dây điện của các hệ thống hoạt động trong chuồng vào. Chẳng hạn như hệ thống đèn, sưởi, …
Việc xây dựng chuồng bằng gỗ cũng giữ nhiệt tốt hơn. Điều này rất lý tưởng nếu bạn sống ở môi trường lạnh phía Bắc. Vì như vậy bạn sẽ giữ cho rắn ấm hơn mà hệ thống sưởi không cần hoạt động công suất cao.
Những điểm yếu
Chuồng bằng gỗ cũng có những điểm không hoàn hảo. Thứ nhất, chuồng gỗ thường khá dày nặng, việc vận chuyển cũng trở thành một thách thức. Nó cũng tạo ra nhiều hạn chế nếu bạn đặt chuồng trong nhà. Chẳng hạn nếu bạn đặt trên một kệ hay bàn yếu có thể nó sẽ không gánh được trọng lượng của chuồng.
Rắn rất thích không khí thoáng và trong lành. Nên chuồng gỗ bí bách rất dễ dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Đây là một vấn đề cần xem trọng khi lựa chọn chuồng nuôi bằng gỗ. Hãy đảm bảo rằng bạn thiết lập hệ thống thông gió tốt cho chúng.
Điểm cuối cùng chính là nó có thể sẽ bị cong, vênh, mục hay bị ẩm. Điều quan trọng là bạn làm sao hạn chế nước ngấm vào gỗ một cách tối đa. Nếu không, việc vệ sinh rất khó khăn, nhất là khi có những kẽ nứt hở trên bề mặt gỗ.

Chuồng nuôi rắn bằng nhựa
Trong khi gỗ là hình thức chuồng phổ biến để nuôi rắn một cách chuyên nghiệp thì nhựa là dạng vật liệu đơn giản và tiết kiệm phổ biến cho những người mới bắt đầu. Nếu lựa chọn loại chuồng này, bạn cần đảm bảo nó phù hợp với con rắn của bạn.
Những lợi ích
Đầu tiên, chúng thường nhẹ nên rất dễ di chuyển đến bất cứ nơi nào. Nhiều chủ sở hữu thường sử dụng nó như một chiếc chuồng dự phòng. Dùng trong trường hợp cách ly điều trị bệnh cho rắn hay để vệ sinh chuồng lớn.
Tuy nhiên, lợi ích hàng đầu của việc dùng chuồng nhựa chính là việc nó rất dễ vệ sinh. Chỉ với một chiếc khăn và bình xịt. Bạn có thể làm sạch và loại bỏ vi khuẩn hoặc ký sinh trùng một cách dễ dàng. Điều này trái ngược với chuồng gỗ – nơi mà rất nhiều vi khuẩn có thể tồn tại giữa những kẽ hở hay mối nối của gỗ.
Những điểm yếu
Mặc dù có những lợi ích tiêu biểu như trên nhưng điểm hạn chế chính là việc khó khăn khi tìm kiếm kích thước phù hợp. Đa phần trên thị trường những loại chuồng nuôi bằng nhựa thường chỉ dành cho các loài bò sát nhỏ.
Hơn nữa có những loại chuồng nhựa an toàn đặc biệt sẽ có giá đắt. Thậm chí còn đắt hơn một chuồng gỗ thông thường. có kích thước tương tự. Bạn nên so sánh giá cẩn thận trước khi quyết định có nên mua hay không.

Chuồng nuôi rắn bằng thủy tinh
Trong những năm gần đây, chuồng nuôi thủy tinh được thiết kế đặc biệt dành riêng cho bò sát ngày càng trở nên phổ biến. Những chiếc chuồng này thường có thiết kế toàn kính với cửa giúp bạn dễ dàng tiếp cận bên trong.
Những cánh cửa này rất hữu ích cho việc bảo trì, sửa chữa và cho vật nuôi ăn thường xuyên.
Những lợi ích
Có thể nói, lợi ích lớn nhất của chuồng bằng thủy tinh là trông chúng hiện đại và sang trọng. Bạn có thể nhìn toàn cảnh bên trong. Không kín như các chuồng gỗ hay mờ như chuồng nhựa. Như vậy bàn càng dễ dàng theo dõi con vật để tiến hành kiểm tra sức khỏe cho chúng hơn.
Những điểm yếu
Mặc dù hấp dẫn là vậy, nhưng nó cũng có những nhược điểm nhất định. Đầu tiên hiển nhiên là chúng khá nặng và rất dễ bị rơi vỡ, va đập làm hỏng. Ngay từ quá trình vận chuyển đã có nguy cơ đó.
Tiếp theo, cấu trúc bằng kính có thể sẽ khiến bạn khó mà giữ ấm cho chuồng vào mùa đông. Vì nhiệt sẽ toát qua bề mặt kính một cách dễ dàng. Và yếu điểm lớn nhất phải kể đến là việc khó mà khoan đục bên trong.
Bạn cần khoan, dùi đục để có thể dẫn các đường dây của các hệ thống cần đến điện trong chuồng. Điều này có thể thực hiện dễ với gỗ và nhựa. Nhưng thủy tinh thì không thể, bạn chỉ có thể mua sẵn những bộ chuồng thiết kế sẵn các vị trí dây điện từ đầu. Chẳng hạn như những bể cạn kính với một mặt nhựa hay gỗ.
- Các thương hiệu chuồng nuôi rắn tốt: Exo Terra, Zoo Med, Carolina cages, Repti Zoo, Zilla.

Tổng kết về chuồng nuôi rắn
Khi bạn quyết định mua chuồng nuôi rắn, hãy nhớ rằng đảm bảo sức khỏe là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Hãy chọn loại chuồng với tiêu chí phù hợp nhất mà không phải là đắt nhất hay rẻ nhất. Cũng chắc chắn rằng con rắn bạn nuôi có đủ không gian và cảm thấy thực sự thoải mái trong chuồng của nó.