Timon lepidus
- Họ: Lacertidae
- Kích thước con trưởng thành: Từ 30 đến 60 cm
- Phân bố: Tây Nam châu Âu
- Môi trường sống: Các khu rừng mở và đồng cỏ
- Tuổi thọ nuôi nhốt: Từ 12 đến 20 năm
- Độ nguy hiểm:
- Mức độ chăm sóc: Trung cấp
Giới thiệu về thằn lằn nạm ngọc
Thằn lằn nạm ngọc (Timon lepidus) hay còn được gọi là thằn lằn bát giác, là một loài thằn lằn thuộc họ Lacertidae. Đây là loài đặc hữu của Tây Nam Châu Âu có kích thước lớn nhất trong họ. Con trưởng thành thường đạt tổng chiều dài từ 30 đến 60 cm (bao gồm cả đuôi), một số cá thể có thể đạt tới 90 cm.

Đặc điểm hình dạng
- Thằn lằn nạm ngọc là loài lưỡng hình giới tính, thông thường con đực lớn hơn con cái khoảng 25 cm và có cái đầu rộng đặc trưng.
- Chúng có đôi chân dày, khỏe, với móng vuốt dài và cong.
- Những con thằn lằn này đa số có thân màu xanh lá cây và đuôi màu xám hoặc nâu. Đặc biệt lưng của chúng có hoa văn sặc sỡ và các đốm màu xanh dương chạy dọc hai bên sườn.

Đặc tính của thằn lằn nạm ngọc
- Loài này có thể ngủ đông khi nhiệt độ giảm. Trong thời gian này, chúng sẽ ăn và di chuyển ít hơn rất nhiều so với bình thường.
- Các con thằn lằn này trưởng thành về mặt sinh sản khi chúng đạt từ 2 đến 3 năm tuổi.
- Khoảng một tuần trước khi đẻ trứng, con cái sẽ bồn chồn và đào hang thường xuyên, thậm chí có thể ngừng ăn.
Chăm sóc thằn lằn nạm ngọc như thế nào?
Thằn lằn nạm ngọc cũng như hầu hết các loài vật nuôi, đều đòi hỏi một môi trường sạch sẽ để phát triển mạnh. Bạn nên giữ chuồng nuôi thông thoáng và điều chỉnh độ ẩm thích hợp để phòng tránh các bệnh ngoài da thường gặp ở thằn lằn.

Chuồng nuôi của thằn lằn nạm ngọc
- Một con thằn lằn trưởng thành cần chuồng nuôi có kích thước tối thiểu là 1.22 x 0.61 x 0.61 m. Bạn nên nuôi chúng độc lập vì các con đực thường có xu hướng đánh nhau để tranh giành lãnh thổ.
- Lót nền bằng hỗn hợp đất bầu, xơ dừa hoặc cát để giữ độ ẩm trong chuồng. Ngoài ra cần đặt trong chuồng một số nhánh cây lớn, mảnh vỏ cây hoặc đá phiến để thằn lằn leo trèo và làm hang ẩn nấp.
- Loài này có nguồn gốc từ vùng ôn đới của châu Âu chính vì vậy không đòi hỏi nhiệt độ quá cao hay quá thấp. Bạn nên giữ nhiệt độ trong chuồng dao động từ 23 đến 27 độ C và đặt nguồn nhiệt tại một đầu của chuồng ( 35- 36 độ C ) để thằn lằn tắm nắng.

Thằn lằn nạm ngọc ăn gì?
Thằn lằn nạm ngọc là loài ăn tạp chủ yếu ăn động vật không xương sống như ốc vườn, dế, tằm, giun sừng, giun sáp… Ngoài ra chúng còn ăn một lượng nhỏ trái cây chín và được nghiền bằng nĩa như dâu, táo, chuối, xoài. Bạn cũng nên bổ sung thêm một số các loại thực phẩm chứa canxi và các loại vitamin trong chế độ ăn của thằn lằn để chúng có thể hấp thụ tốt chất dinh dưỡng.